Sắp có cuộc “đổ bộ” vào địa ốc của các quỹ đầu tư Nhật Bản
Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường M&A bất động sản 2016 có thể sẽ có yếu tố bất ngờ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó Nhật Bản vẫn chiếm “thế thượng phong”.
Tóm tắt
Theo thông tin chúng tôi có được, một quỹ đầu tư hàng đầu khác của Nhật Bản cũng vừa làm việc với tập đoàn C.T Group vào những ngày sau Tết âm lịch nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác vốn để đầu tư các dự án hiện nay của doanh nghiệp này.
Một tập đoàn đầu tư lớn khác của Nhật cũng đang làm việc với chính quyền Tp.HCM về việc đầu tư dự án trung tâm thương mại ngầm ngay dưới nhà ga chính của tuyến metro số 1…
Các dự báo cho thấy một số quỹ đầu tư lớn của Nhật Ban được kì vọng sẽ có mặt nhiều hơn trong thời gian tới khi thị trường BĐS trong nước ngày một phát triển.
Ngoài kinh nghiệm, các quỹ đầu tư này mục tiêu chính vẫn là đáp ứng nhu cầu vốn gia tăng của các dự án BĐS tại Tp.HCM và Hà Nội. Các quỹ này đang có ý định đầu tư vào thị trường Việt Nam đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản phân khúc trung cấp – bình dân, thay vì cao cấp như trước kia.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hiệp định TPP đã được ký kết, Việt Nam đã bước vào sân chơi toàn cầu, cũng là nước đang phát triển đứng thứ 3 khu vực ASEAN, nên nhu cầu về nhà ở còn rất lớn.
Song song đó, pháp luật về nhà ở cũng đã mở cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà theo thông lệ quốc tế, chắc chắn bất động sản Việt Nam trong thời gian tới sẽ là “miếng bánh” hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản sẽ luôn chiếm vị trí đứng đầu trong chiến lược “săn” mua dự án trong thời gian tới.
Còn ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết, qua tiếp xúc với các nhà đầu tư Nhật Bản thời gian qua, họ đều cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang có nhiều ưu thế so với các nước khác trong khu vực.
Trong khi suất đầu tư của phân khúc bất động sản thương mại trên toàn thế giới vẫn có dấu hiệu giảm mạnh, thì thị trường Tp.HCM và Hà Nội có dấu hiệu “bùng nổ” sau hơn 2 năm phục hồi. Điều này mang lại lợi thế về giá cho các nhà đầu tư quốc tế so với các thị trường lân cận như Indonesia, Philippines và Malaysia.
Theo nghiên cứu của công ty TNHH CBRE Việt Nam mới đây cho thấy, trong số các nhà đầu tư nước ngoài đang “săn mua” dự án BĐS tại Việt Nam, thì Nhật Bản đang chiếm vị trí quán quân với 22%, Singapore 17%, Hàn Quốc 14% và Mỹ là 8%…
Còn theo một báo cáo của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), vốn đầu tư Nhật Bản trong năm 2015 vào lĩnh vực BĐS chiếm 6%, với 76 dự án trong tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tức khoảng 76,8 triệu USD.
Trong đó, đáng chú ý là vốn từ các quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản hiện hiện tại Việt Nam ngày một nhiều (60% trong tổng nhóm các nhà đầu tư), thông qua hình thức hợp tác rót vôn vào dự án, mua lại cổ phần hoặc cho doanh nghiệp trong nước vay vốn với lãi suất hấp dẫn.
Đáng chú ý, Creed Group – một quỹ đầu từ lớn của Nhật có tổng tài sản 5 tỷ USD đang rót vốn mạnh vào địa ốc Việt Nam thông qua việc cam kết đầu tư 200 triệu USD vào một doanh nghiệp địa ốc tại Tp.HCM.
Sáng ngày 6/3, quỹ này đã “xông đất” thị trường BĐS Việt Nam bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác và rót vốn vào một dự án lớn với hai doanh nghiệp là công ty An Gia và Phát Đạt, với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Theo đó, Dự án River City gồm 12 block chung cư với khoảng 8.000 căn hộ, office-tel và shop house, tọa lại tại quận 7. Dự án có tổng diện tích khoảng 11,2ha, mật độ xây dựng chiếm 23,6% và diện tích căn hộ từ 47-122m2. Theo tiết lộ từ nhà đầu tư, đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam được đầu tư xây dựng cả một khu biển nhân tạo bên trong!
Trước đây, dự án này còn có tên là The EverRich 2 do chính Phát Đạt (PDR) làm chủ đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, với việc “mượn” vốn ngoại, dự án này đã đổi tên, đổi chủ và chắc chắn sẽ đổi vận!
“Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài từng có kinh nghiệm đầu tư tại nhiều quốc gia, chúng tôi thấy thị trường BĐS Việt Nam thật sự rất nhiều tiềm năng. Có thể nói, thị trường này đang rất giống với thị trường ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vì nhu cầu về các loại hình BĐS của người dân và doanh nghiệp đang rất lớn, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính”, ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ Creed Group, nói.
Trong thời điểm cuối năm 2015, nhiều đoàn với gần 100 doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm, làm việc và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Tp.HCM và một số tỉnh, thành khác. Qua đó, đã có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đạt được thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp địa ốc Việt Nam.
Theo thông tin chúng tôi có được, một quỹ đầu tư hàng đầu khác của Nhật Bản cũng vừa làm việc với tập đoàn C.T Group vào những ngày sau Tết âm lịch nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác vốn để đầu tư các dự án hiện nay của doanh nghiệp này. Một tập đoàn đầu tư lớn khác của Nhật cũng đang làm việc với chính quyền Tp.HCM về việc đầu tư dự án trung tâm thương mại ngầm ngay dưới nhà ga chính của tuyến metro số 1…
Ông Yoshinori Yakabe, Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Tp.HCM, cho biết thêm bối cảnh hội nhập như hiện nay cùng với sự tăng trưởng vượt trội của Việt Nam là cơ hội vàng đề đầu tư vào thị trường BĐS. Về lâu dài, đặc biệt là trong năm 2016, năm dự kiến có sự bùng nổ trong lĩnh vực BĐS, nguồn vốn đầu tư từ Nhật sẽ tiếp tục “đổ bộ” vào Việt Nam dưới các hình thức như: liên doanh, hợp tác đầu tư hoặc M&A.
Với tiềm năng còn rất lớn của thị trường bất động sản Việt Nam, Lãnh Sự quán Nhật Bản sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với nguồn vốn đầu tư Nhật Bản, đồng thời là cầu nối để các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia tích cực hơn nữa vào thị trường Việt Nam”, ông Yakabe nói.
Theo Trí thức trẻ